Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa châu Âu (EU) với Việt Nam lúc 18:30 giờ Việt Nam, trong bối cảnh mà xuất khẩu và kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng lớn do virus Corona. Liệu đây có là “cú hích” để cứu cánh cho xuất khẩu lẫn tăng trưởng GDP năm 2020; và Việt Nam cần làm gì để tận dụng sớm nhất cơ hội mà hiệp định mang lại?
Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) Trần Quốc Khánh, về vấn đề này.
Cần có tinh thần “cầm đèn chạy trước ô tô”
Là người tham gia đàm phán 2 hiệp định từ những ngày đầu, cảm xúc của ông lúc này khi nghe tin EU vừa phê chuẩn các hiệp định?
Ông Trần Quốc Khánh: Toàn bộ anh em đoàn đàm phán đã theo dõi sát sao tiến trình thông qua 2 Hiệp định ở EP. Ngày 21.1, sau khi Ủy ban Thương mại Quốc tế của EP – cơ quan giữ trọng trách thẩm tra giống như Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội ta – đồng ý khuyến nghị EP phê chuẩn 2 hiệp định, anh em đã rất mừng.
Tuy nhiên, lo lắng vẫn còn đó khi cuối tuần rồi, Đảng Xanh họ còn cố gắng đề nghị EP xem xét việc hoãn bỏ phiếu thông qua 2 Hiệp định. Nhưng chiều 10.2, đề xuất có tính “thọc gậy bánh xe” này đã bị trên 60% nghị sĩ bác bỏ. Và tỷ lệ phiếu không ủng hộ họ lên tới 60% cũng là tín hiệu khiến chúng ta lạc quan về một kết quả tốt đẹp khi bỏ phiếu phê chuẩn. Và giờ đây, tất cả mọi người đều rất vui với kết quả lúc này.
EP đã phê chuẩn hiệp định, vậy bước tiếp theo Bộ Công thương, Chính phủ sẽ phải làm gì để hiệp định sớm có hiệu lực, mang lại lợi ích trên thực tế?
Bộ Công thương đã trình Chính phủ bộ hồ sơ đề nghị Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Theo lộ trình dự kiến thì Chính phủ sẽ trình Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét việc trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 này. Nếu Quốc hội thông qua vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì dự kiến EVFTA sẽ có hiệu lực rất sớm, có thể ngay từ 1.7, sau khi hai bên thông báo cho nhau về việc đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn.
Có một vấn đề rất đáng quan tâm là nếu hiệp định có hiệu lực vào ngày 1.7 thì ta đã có sẵn các văn bản hướng dẫn hay chưa? Cái khó cho các cơ quan là quy trình soạn thảo văn bản hướng dẫn chỉ có thể khởi động khi hiệp định đã được Quốc hội phê chuẩn. Từ đây, có thể nảy sinh tình huống hiệp định đã có hiệu lực nhưng lại chưa có văn bản hướng dẫn thực thi bởi thời gian từ lúc được phê chuẩn tới lúc có hiệu lực quá ngắn trong khi theo luật, quy trình xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật lại không thể ngắn như vậy.
Trong tình huống đó, việc tốt nhất mà Bộ Công thương và Chính phủ có thể làm là dự thảo sẵn các văn bản hướng dẫn để ngay sau khi hiệp định được Quốc hội phê chuẩn thì công bố để lấy ý kiến người dân. Như vậy sẽ rút ngắn được khoảng thời gian trống, giúp các doanh nghiệp 2 bên có thể nhanh chóng hiện thực hóa lợi ích của hiệp định. Cần nhất và cấp bách nhất là những văn bản hướng dẫn về thuế nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, mở cửa thị trường dịch vụ, mua sắm của các cơ quan Chính phủ và phát triển bền vững. Hiện chúng tôi đang triển khai theo hướng này. Cũng có phần “cầm đèn chạy trước ô tô” nhưng rất hy vọng là Quốc hội sẽ thông qua hiệp định một cách thuận lợi.
Cú hích cho xuất khẩu nông sản hồi phục
Các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu cho năm 2020 sẽ khó đạt do bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Corona. Trong bối cảnh đó có ý kiến cho rằng nếu hiệp định có hiệu lực 1.7 và ta kịp thời hướng dẫn thì đó là “cứu cánh” cho tăng trưởng kinh tế nói chung và xuất khẩu nói riêng?
(theo thanhnien)