Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, cả nước xuất khẩu 25,88 tỷ USD, tăng 12,6% so với tháng 7. Như vậy, tình hình xuất khẩu của Việt Nam đang dần tốt hơn 7 tháng đầu năm (bình quân đạt 20,7 tỷ USD/tháng). Trước tình hình kinh tế, thương mại thế giới suy giảm như hiện nay, Bộ Công Thương từng nhìn nhận Việt Nam không thuận lợi để gia tăng xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019.
Cùng với đó, nhập khẩu giảm 2,1% so với tháng trước, đạt trị giá 22,45 tỷ USD. Theo đó, trong tháng 8 cả nước xuất siêu 3,43 tỷ USD, giúp con số thặng dư thương mại từ đầu năm tới nay đạt 5,37 tỷ USD. Mức xuất siêu 8 tháng này cao hơn cùng kỳ 2018, năm kỷ lục của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam. Đây cũng là con số cao hơn ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD được Tổng cục Thống kê đưa ra ngày 29/8.
Xuất siêu bất ngờ đạt 5,37 tỷ USD. Ảnh minh họa: AJOT. |
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng hóa đạt 171,3 tỷ USD, khối FDI chiếm gần 70%. Cả nước có 28 mặt hàng đạt giá trị trên 1 tỷ USD sang các thị trường khác.
10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất 8 tháng/2019 so với cùng kỳ. Đơn vị: tỷ USD. |
Điện thoại và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 33,39 tỷ USD trong 8 tháng. Riêng tháng 8, mặt hàng này với kim ngạch hơn 5,9 tỷ USD, tăng 48,1% so với tháng 7. Sang năm 2019, dệt may tụt xuống vị trí thứ 3 về xuất khẩu nhưng vẫn tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 21,77 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành cho biết đơn hàng dệt may đang sụt giảm và gặp khó khăn trong những tháng cuối năm.
10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất 8 tháng/2019 so với cùng kỳ. Đơn vị: tỷ USD. |
Cả nước nhập khẩu 165,92 tỷ USD hàng hóa trong 8 tháng. Máy tính, điện tử và máy móc thiết bị vẫn là những mặt hàng Việt Nam nhập từ nước ngoài nhiều nhất, lần lượt ở mức 33,55 tỷ USD và 23,98 tỷ USD. Mặt hàng điện thoại và linh kiện nhập khẩu giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng sắt thép, kim loại thường, xăng dầu các loại cũng về Việt Nam giảm so với năm 2018.
(Theo Nam Anh – NDH)