• wellcome to lotus capital!

  • Tel: 84 24 32222753 I Fax: 84 24 32222754

  • Tổng quan thị trường

    Ngày 03/09: Nhà đầu tư kiếm bộn tiền nếu nắm giữ những cổ phiếu này sau 5 năm

    admin

    Tháng Chín 3

    Cổ phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, với lợi nhuận tăng đều qua các năm được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nắm giữ dài hạn và lợi nhuận từ việc tăng giá của các cổ phiếu dưới đây không kém các khoản đầu cơ.

    Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam có một bước nhảy vọt sau khoảng thời gian ảm đạm kể từ xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. VN-Index tại phiên giao dịch 30/8/2019 đạt 984,06 điểm, tăng 54,6% so với cùng thời điểm 2014. HNX-Index tăng gần 18% đạt 102,32 điểm.

    VN-Index lập đỉnh lịch sử vào ngày 9/4 /2018 với 1.204,33 điểm. HNX-Index cũng tạo đỉnh sau đó 2 ngày tại 138,02 điểm. Tuy nhiên ngay sau đó, thị trường biến động mạnh từ sự những tác động bên ngoài như thương chiến Mỹ Trung hay lo ngại khủng hoảng kinh tế. Các chỉ số chính một năm rưỡi vẫn chưa tìm được đường về đỉnh cũ.

    Trước sự biến động của thị trường, việc của nhà đầu tư là tìm ra những cổ phiếu có thể chiến thắng thị trường không chỉ trong ngắn hạn, mà điều quan trọng là chiến thắng thị trường trong dài hạn. Dưới đây là 10 cổ phiếu có thể giúp tài khoản nhà đầu tư tăng lên bằng lần nếu nắm giữ trong vòng 5 năm qua, với vốn hóa hiện tại trên 500 tỷ đồng và giá trị giao dịch bình quân trong 52 tuần gần đây trên 10 tỷ đồng.

    Vicostone

    Cổ phiếu của ông ty cổ phần Vicostone (HNX: VCS) đứng đầu danh sách tăng giá trong 5 năm bất chấp việc giảm mạnh trong gần một năm, từ tháng 4/2018 đến tháng 6/2019 trước khi hồi phục lại quanh mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu.

    Vicostone là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đá ốp lát cao cấp, được thành lập bởi Vinaconex. Năm 2012-2013, cùng với việc lợi nhuận giảm, giá cổ phiếu cũng kém tích cực do những mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo công ty và cổ đông ngoại Red River Holding. Quỹ ngoại nhiều lần yêu cầu công ty chi trả cổ tức ở mức cao, trong khi doanh nghiệp đang cần nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Khi không được đáp ứng, Red River Holding phủ quyết các tờ trình tại mỗi mùa ĐHĐCĐ.

    Tháng 6/2014, mối bất hòa kéo dài nhiều năm giữa ban điều hành Vicostone với nhóm cổ đông lớn nước ngoài Red River Holding được giải quyết khi quỹ ngoại này đã chấp nhận “ra đi”, đồng thời là cú thâu tóm của ông Hồ Xuân Năng qua công ty con Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (sở hữu hơn 81% cổ phần VCS).

    Năm 2015-2016 chứng kiến mức tăng hơn 25 lần của VCS. Ngày 5/4/2018 đánh dấu việc cổ phiếu VCS đạt mức cao nhất mọi thời đại với 129.810 đồng/cp (giá điều chỉnh). Tính đến phiên giao dịch ngày 30/8/2019, giá cổ phiếu VCS đạt 89.500 đồng/cp tương ứng gấp 14,7 lần so với thời điểm 5 năm trước đó.

    Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận

    Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) khởi đầu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vàng miếng và trang sức. Tuy nhiên, nhận ra việc kinh doanh vàng miếng có nhiều bất cập và biên lợi nhuận không cao, công ty đã dần chuyển hướng sang việc tập trung chế tác và bán lẻ trang sức, trong khi hạ tỷ trọng kinh doanh vàng miếng. Việc thay đổi chiến lược của PNJ đã mang lại hiệu quả đáng kể. Năm 2011, thời điểm hoàng kim của việc kinh doanh vàng miếng nhưng biên lợi nhuận gộp của PNJ chỉ là gần 4%, trong khi từ năm 2015, biên lợi nhuận gộp tăng vọt lên trên 15% và trong năm 2018 con số này là gần 19%.

    Nhờ kết quả kinh doanh tăng mạnh sau khi chuyển hướng kinh doanh, giá cổ phiếu PNJ cũng cải thiện rõ rệt. Ngày 30/3/2018, giá cổ phiếu PNJ leo lên đỉnh lịch sử với 206.000 đồng/cp (giá trước điều chỉnh). Tại phiên giao dịch ngày 30/8/2019, PNJ đạt mức 82.200 đồng/cp, gấp đến 7,7 lần so với 5 năm trước. Như vậy chỉ cần bỏ 100 triệu vào cổ phiếu này sau 5 năm nhà đầu tư đã có gần 800 triệu.

    Nam Việt

    CTCP Nam Việt (HoSE: ANV) khởi đầu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp trước khi mở rộng sang ngành thủy sản. Công ty đặt mục tiêu trở thành tập đoàn với 3 mũi nhọn chính là nông nghiệp, tài chính và khoáng sản. Tuy nhiên, cùng với cơn suy thoái toàn cầu năm 2009, ANV bị ảnh hưởng nghiêm trọng với việc bất ngờ lỗ đến hơn 127 tỷ đồng và chịu khoản lỗ “khủng” do đầu tư ngoài ngành. Do đó, Nam Việt quyết định thoái vốn khỏi đa số các khoản đầu tư ngoài ngành và chỉ tập trung vào ngành thủy sản.

    Năm 2017 và 2018, kết quả kinh doanh của Nam Việt tăng đột biến so với các năm trước nhờ sự khởi sắc của ngành thủy sản. Năm 2017, công ty báo lãi sau thuế 144 tỷ đồng, gấp 10,7 lần so với năm trước, năm 2018 lãi đến 604 tỷ đồng, gấp 4,2 lần năm trước. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, ANV đạt 353 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

    Giá cổ phiếu ANV khởi sắc cùng với kết quả kinh doanh đột biến của công ty này kể từ thời điểm giữa năm 2017. Từ mức chỉ khoảng 5.000 đồng/cp (trước điều chỉnh), giá cổ phiếu ANV tăng vọt lên mức đỉnh lịch sử vào 30/5/2019 với 31.840 đồng/cp, dù sau đó quay đầu giảm mạnh.

    Chốt phiên 30/8/2019, giá cổ phiếu ANV gấp đến 6,4 lần so với 5 năm trước ở mức 24.650 đồng/cp.

    Cao su Phước Hòa

    Dù triển vọng ngành cao su tự nhiên kém khả quan trong nhiều năm liên tiếp, cổ phiếu của Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) lại tăng chưa thấy đỉnh trong 2 năm trở lại đây nhờ kì vọng từ hiệu ứng “bất động sản khu công nghiệp” được hưởng lợi từ thương chiến Mỹ Trung.

    Năm 2018, Cao su Phước Hòa đạt 637 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 93% so với năm 2017 nhờ vào việc thanh lý cây cao su và chuyển hướng sang mảng bất động sản khu công nghiệp. Năm 2019, Cao su Phước Hòa đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 997 tỷ, tăng gần 60% so với năm trước. Công ty đã lên kế hoạch thanh lý cao su phục vụ tái canh hàng năm với tổng diện tích dự kiến 1.000 ha. Công ty cũng dự kiến lợi nhuận sẽ có sự đóng góp đáng kể từ ghi nhận tiền đền bù do bàn giao đất cho Nam Tân Uyên và khu công nghiệp VSIP. Với VSIP, Công ty dự kiến ghi nhận 1,3 tỷ đồng/ha diện tích đất bàn giao và 20% lợi nhuận của dự án.Giá cổ phiếu đang ở vùng đỉnh kể từ khi niêm yết, đóng cửa phiên 30/8 ở mức 69.000 đồng/cp, gấp 5,4 lần so với cùng thời điểm năm 2014.

    Đầu tư Thế Giới Di Động

    Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) mới kỷ niệm 15 năm thành lập, khởi đầu với chuỗi bán lẻ điện thoại Thế Giới Di Động trước khi mở rộng thêm 2 chuỗi bán lẻ điện máy Điện Máy Xanh và bán lẻ thực phẩm Bách Hóa Xanh.

    Cổ phiếu MWG lên giao dịch tại sàn HoSE từ 14/7/2014, là một trong các khoản đầu tư ưu thích của nhà đầu tư ngoại và luôn kín room ở mức 49%. Các quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam như Dragon Capital, Pyn Elite nắm giữ khoản đầu tư MWG với tỷ trọng lớn nhất.

    Giá cổ phiếu MWG cũng tăng trưởng bền vững theo các năm đi cùng với sự tăng trưởng kết quả kinh doanh. Năm 2018, lợi nhuận sau thuế đạt 2.880,3 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với 2014.

    Hiện tại, cổ phiếu MWG vẫn đang ở vùng đỉnh, đóng cửa phiên 30/8 đạt 116.900 đồng/cp, gấp 5,2 lần năm 2014. Đỉnh lịch sử của cổ phiếu này được thiết lập vào 21/8/2019 với 120.300 đồng/cp.

    Vingroup

    Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) hiện là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với 409.877 tỷ đồng tỷ đồng (dữ liệu chốt ngày 26/8). Vingroup hoạt động đa ngành từ bất động sản, dịch vụ nghỉ dưỡng, bán lẻ, giáo dục, y tế, sản xuất ôtô, smartphone, nghiên cứu trí tuệ nhân tạo… Thậm chí mới đây, công ty còn tham vọng lấn sang mảng hàng không khi thành lập Công ty hàng không Vinpearl Air và mở trường đào tạo phi công, thợ máy.

    Kết quả kinh doanh công ty trong các năm gần đây đều ghi nhận mức tăng tốt. Doanh thu năm 2018 đạt 121.971 tỷ đồng, gấp 4,4 lần so với năm 2014. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.191 tỷ đồng, tăng 64% so với thời điểm 5 năm trước.

    Giá cổ phiếu VIC vì vậy cũng ghi nhận mức tăng bền bỉ theo từng năm, trong đó giai đoạn bứt phá mạnh nhất của cổ phiếu này diễn ra trong khoảng 2 năm gần đây nhờ khi Vingroup liên tục mở rộng ra các ngành nghề mới và thu hút vốn ngoại hay đưa các công ty con như Vincom Retail và Vinhomes lên HoSE.

    Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/8, giá cổ phiếu VIC đạt 123.500 đồng/cp, gấp 4,4 lần so với 5 năm trước.

    Bất động sản Phát Đạt

    Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) chào sàn HoSE từ cuối năm 2011 vào đúng thời điểm thị trường bất động sản gặp khó khăn. Vì vậy, cổ phiếu PDR liên tục đi xuống. Sự hồi phục của doanh nghiệp này bắt đầu từ khoảng năm 2017 khi triển vọng ngành bất động sản trở nên tươi sáng hơn.

    Từ năm 2016 đến 2018, lợi nhuận tăng rất mạnh. 2016 công ty lãi sau thuế 242 tỷ đồng, tăng 55,7% so với 2015. Năm 2017, lợi nhuận tăng 81% lên mức gần 440 tỷ đồng và đến năm 2018, con số này tăng vọt lên mức 643,3 tỷ đồng, tăng 46% so với 2017 và gấp 15,5 lần 2014.

    Nhờ vào triển kết quả kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu PDR cũng tăng mạnh 4 lần so với 5 năm trước và đạt 26.450 đồng/cp.

    Vietcombank

    Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (HoSE: VCB) đã có bước nhảy vọt trong vài năm gần đây để vươn lên vị trí số 1 hệ thống ngân hàng về lợi nhuận và là một trong số ít các ngân hàng duy trì được sự ổn định trên một hành trình dài. Vietcombank được cho là không có đối thủ trong mảng hoạt động liên quan đến ngoại tệ và ngoại thương.

    Không chỉ về lợi nhuận, các chỉ số cơ bản khác như ROA, ROE, chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đều có sự cải thiện. Lãi ròng năm 2018 đạt 14.606 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2014. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt mức kỷ lục 11.045 tỷ đồng, tăng 43,1% so với cùng kỳ năm 2018.

    Giá cổ phiếu Vietcombank đạt đỉnh lịch sử vào 29/7/2019 với 81.000 đồng/cp. Còn tại thời điểm 30/8/2019, giá cổ phiếu này đạt 77.700 đồng/cp, gấp 4 lần năm 2014.

    Đầu tư và Thương mại TNG

    Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) nằm trong top 10 doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Công ty có những lợi thế trong ngành nhờ các hợp đồng gia công quốc tế cho các nhãn hiệu nổi tiếng như Zara, Mango, Nike, Adidas…

    Trong 2 năm gần đây, kết quả kinh doanh của TNG tăng mạnh nhờ vào triển vọng tích cực của ngành dệt may từ các hiệp định thương mại quốc tế Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA).

    Năm 2018, doanh thu của TNG đạt 3.612,9 tỷ đồng, tăng 45% so với 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 180 tỷ đồng, tăng 57% so với 2017 và gấp 3,4 lần 2014.

    Nhờ vào kết quả kinh doanh tích cực nên giá cổ phiếu biến động cùng chiều, đặc biệt là ở khoảng thời gian cuối năm 2018 đến nửa đầu năm nay. Tại phiên giao dịch ngày 30/8/2019 giá cổ phiếu TNG đạt 18.200 đồng/cp, tương ứng gấp 3,3 lần so với cùng thời điểm năm 2014.

    Xây dựng Hoà Bình

    Cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HoSE: HBC) từng được gọi “cổ phiếu hoa hậu” khi trong khoảng thời gian 1/4/2016 đến 1/9/2017 tăng 5 lần lên 37.100 đồng/cp – mức giá kỷ lục.

    Doanh số và lợi nhuận ghi nhận trong 2 năm 2016 và 2017 tăng trưởng mạnh nhờ hưởng lợi từ thị trường bất động sản ấm lại. Tuy nhiên, lợi nhuận tăng kèm theo việc các khoản phải thu theo tiến độ xây dựng và các khoản nợ ngắn hạn tăng theo đem lại rủi ro đáng kể cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà thầu xây dựng.

    Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, các khoản phải thu lớn gần gấp 3 lần so với vốn chủ sở hữu, lợi nhuận giảm, dòng tiền lưu động âm…khiến cổ phiếu này đi xuống “không phanh” trong khoảng 2 năm trở lại đây. .

    Kể từ mức đỉnh ở trên, giá cổ phiếu HBC giảm liên tục và tính đến phiên 30/8/2019 chỉ còn 13.500 đồng/cp, tương ứng mức giảm đến 63%. Dù vậy, nếu tính trong vòng 5 năm qua thì giá cổ phiếu này vẫn gấp 3,3 lần.

    (Theo Bình An – NDH.VN)

    Copyright 2019, Lotus Capital. All right reserved

    Design by iColor Branding