Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản giảm 0,6% trong phiên 17/9. Phần lớn thị trường đều giảm điểm, với chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất khu vực.
Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 1,7% và 2%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,2%. Giới đầu tư rút khỏi các tài sản rủi ro sau một loạt tín hiệu kinh tế tiêu cực, như tăng trưởng sản lượng công nghiệp xuống thấp nhất 17 năm rưỡi và giá nhà mới tăng với tốc độ chậm nhất gần 1 năm trong tháng 8.
Ngược lại, Nikkei 225 của Nhật Bản đảo chiều và tăng 0,06% về cuối phiên sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết Mỹ đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Nhật Bản về thuế nhập khẩu và thương mại số. Ngoài ra, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,01%.
Tại Nam Á, ASX 200 và NZX 50 đồng loạt tăng 0,3%.Giới đầu tư châu Á giao dịch thận trọng trước đà tăng mạnh của giá năng lượng và căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông leo thang.
Giá dầu thô tăng hơn 14% trong phiên 16/9, ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu đến từ vụ tấn công vào 2 cơ sở sản xuất dầu tại Arab Saudi, dấy lên lo ngại nguồn cung dầu cho thế giới sẽ sụt giảm.
Giới phân tích cho biết giá dầu có thể lên cao hơn nếu Arab Saudi, Mỹ hoặc các nước khác có động thái phản ứng bằng quân sự liên quan tới vụ tấn công trên. Đồng thời, Tổng thống Donald Trump cho biết cho phép mở kho dự trữ dầu dự phòng của nước này để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho thế giới.
Giới đầu tư thận trọng một phần khác vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chuẩn bị bước vào phiên họp chính sách tháng 9. Thị trường dự đoán ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hạ lãi suất 0,25% do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới.
(theo Thanh Long – NDH)