au cuộc họp hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ giữ nguyên lãi suất “ở mức hiện tại hoặc thấp hơn”, ít nhất đến hết nửa đầu năm 2020. Dù vậy, cơ quan này cũng ra tín hiệu sẽ bổ sung nhiều biện pháp để thúc đẩy kinh tế khu vực đồng euro. Họ cho biết đang nghiên cứu nhiều phương án, như giảm lãi suất với tiền gửi của các ngân hàng tại ECB hay tái khởi động chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Bên ngoài trụ sở ECB ở Frankfurt, Đức. Ảnh: Reuters
Đồng euro đã xuống đáy 2 năm so với USD sau thông báo của ECB. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức cũng chìm sâu vào vùng âm (-0,42%), theo số liệu từ hãng nghiên cứu Refinitiv. Dù vậy, cả đồng euro và lợi suất trái phiếu tăng trở lại khi Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết tất cả thành viên ECB đều đồng ý rằng cần tăng kích thích, nhưng vẫn bất đồng về phương án. Trong buổi họp báo sau đó, ông nói: “Kích thích tiền tệ quy mô lớn sẽ vẫn cần thiết, nhằm đảm bảo điều kiện tài chính có lợi cho sự tăng trưởng của khu vực đồng euro”.
Ông cũng nhận định khả năng suy thoái tại khu vực này hiện rất thấp. Nhận định này ngược lại với trước đó. Hồi tháng 6, ông còn cảnh báo nếu kinh tế eurozone không có cải thiện rõ rệt, ECB sẽ tung thêm kích thích. Chính việc này đã khiến giới quan sát kỳ vọng ECB hạ lãi suất hoặc mua lại trái phiếu. Theo Capital Economics, ECB nhiều khả năng sẽ giảm lãi vào tháng 9.
ECB bắt đầu tung kích thích quy mô lớn sau cuộc khủng hoảng nợ năm 2011. Họ đẩy lãi suất xuống thấp kỷ lục, mua lại trái phiếu chính phủ và tăng cho vay các ngân hàng ở eurozone. Từ năm ngoái, ECB bắt đầu bình thường hóa chính sách, theo xu hướng toàn cầu.
Dù vậy, chiến tranh thương mại và kinh tế Trung Quốc yếu đi đang khiến ECB phải tính toán lại. Cuối tháng này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng sẽ họp chính sách. Cơ quan này được kỳ vọng hạ lãi suất thêm 0,25%.
Theo ndh.vn